Tổng cộng kể từ đầu năm đến nay giá dầu đã tăng 14%.
Giá dầu thế giới đã tăng vọt lên mức cao nhất 5 tháng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông leo thang và nguồn cung từ Mexico bị thắt chặt. Theo Bloomberg, sáng nay (2/4) giá dầu Brent giao dịch ở quanh mức 88 USD/thùng trong khi dầu ngọt nhẹ WTI có giá 84 USD/thùng.
Trong diễn biến mới nhất ở Trung Đông, Iran cáo buộc Israel đã thực hiện một đợt không kích vào đại sứ quán của nước này ở Syria, khiến một vị tướng cao cấp cùng 6 người khác thiệt mạng. Tehran tuyên bố sẽ sớm có hành động trả đũa quyết liệt. Trong khi đó, công ty dầu khí quốc doanh Pemex của Mexico mới đây thông báo đang có kế hoạch tạm ngừng xuất khẩu loại dầu chủ lực trong những tháng tới.
Các quỹ tương hỗ đang ngày càng đặt cược nhiều hơn vào kịch bản giá dầu tăng. Theo dữ liệu từ ICE, vị thế mua ròng đối với dầu Brent đang ở mức cao nhất 13 tháng.
Vị thế mua ròng đối với dầu Brent đang ở mức cao nhất 13 tháng
Tổng cộng kể từ đầu năm đến nay giá dầu đã tăng 14% với nguyên nhân chính là Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh tiến hành cắt giảm sản lượng. Ngày mai OPEC+ sẽ có phiên họp xem xét lại chính sách sản lượng và được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đường lối như hiện nay, điều khiến các chuyên gia trong ngành dự báo sẽ dẫn đến tình trạng thế giới thiếu hụt dầu thô vào cuối năm nay.
Việc thị trường quay sang tập trung vào nguồn cung khiến những tác động từ dữ liệu kinh tế Mỹ lên giá dầu bị lu mờ. Dữ liệu hôm qua cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ tăng trưởng khá tốt trong tháng trước, dẫn đến nhà đầu tư giảm mạnh kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ sớm hạ lãi suất trong năm nay, kéo theo đồng USD tăng lên mức cao nhất 2 tháng. Thông thường lãi suất tăng và đồng USD tăng sẽ khiến giá các loại hàng hóa cơ bản giảm.