Doanh nghiệp chế biến thận trọng trước cuộc ‘giằng co’ giá cả nguyên liệu

Các doanh nghiệp (DN) sản xuất mặt hàng nhựa ở Việt Nam vẫn đang dè chừng trong việc nhập khẩu hạt nhựa khi giá cả ở thế “giằng co”, trong khi nhu cầu từ người dùng cuối còn yếu. Đây cũng là điều lưu tâm chung cho các DN chế biến, cần thận trọng giữa bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào liên tục “nhảy múa” nhằm tránh rủi ro như “mua cao, bán thấp” hay “mua xa, bán xa”.


Mới đây, trên trang web ChemOrbis (chuyên cung cấp thông tin thị trường nhựa trên toàn cầu) có nhận định thị trường nhựa PP (một dạng nguyên liệu nhựa nhiệt dẻo cứng) ở châu Á đang “mắc kẹt” trong cuộc giằng co giữa lập trường tăng giá của người bán và sự kháng cự mạnh mẽ của người mua.


Từ mức độ dè chừng của doanh nghiệp nhựa

Với những người mua nguyên liệu nhựa PP từ Việt Nam (là những DN sản xuất mặt hàng nhựa), cho biết đã tập trung vào việc giải quyết hàng tồn kho trước tiên vì họ dự đoán sẽ sớm có xu hướng giảm giá.


Nhất là khi nhu cầu vẫn còn mờ nhạt, nên có khả năng một số nhà cung ứng nhựa PP sẽ giảm giá để giảm bớt hàng tồn kho. Các DN sản xuất mặt hàng nhựa ở Việt Nam cũng không muốn bổ sung thêm vì nhu cầu từ người dùng cuối còn yếu, nên việc giữ nguyên liệu không có ích lợi gì nhiều trong lúc này.


Cũng theo ChemOrbis, thị trường nhựa PE nhập khẩu tại Đông Nam Á biến động giữa các yếu tố trái chiều như chi phí sản xuất tăng và nhu cầu liên tục giảm. Và với lý do nhu cầu phục hồi chưa đủ trong các ngành hạ nguồn quan trọng, nên các nhà sản xuất nhựa PP của Trung Đông đã tiếp cận thị trường khu vực với mức giảm trong các báo giá tháng 4/2024 của họ.


Các nhà kinh doanh nhựa tại Việt Nam cho biết một nhà sản xuất lớn của Ả Rập Xê Út đã cắt giảm báo giá các lô hàng PE tháng 4 so với tháng 3/2024, với mức giảm 20 USD/tấn đối với LDPE, 40 USD/tấn đối với LLDPE và 50-60 USD/tấn đối với HDPE. Không những vậy, nhà cung ứng sẵn sàng giảm giá thêm 20 USD/tấn cho tất cả các loại PE do nhu cầu kém và dự đoán giá sẽ tiếp tục giảm. Một nhà sản xuất khác của Ả Rập Xê Út cũng giảm báo giá tháng 4 sang Việt Nam 10 USD/tấn trong bối cảnh tâm lý mua yếu.


Có thể thấy trong bối cảnh giá cả nguyên liệu nhựa đang có nhiều biến động phập phù như vậy, lại chịu tác động thêm của việc biến động tỷ giá USD, thì điều mà các DN sản xuất mặt hàng nhựa ở Việt Nam cần làm trong lúc này là thận trọng quan sát, chờ những cuộc điều chỉnh giá từ nhà cung ứng. Họ kỳ vọng giá nguyên liệu nhựa nhập khẩu sẽ có những điều chỉnh giảm trong bối cảnh hoạt động thị trường chậm lại.


Rõ ràng, sự cẩn trọng về mặt giá cả của các DN này là rất cần thiết. Bởi lẽ, một khi nhập khẩu nguyên liệu nhựa ở mức giá cao sẽ khiến giá thành sản xuất tăng lên, kéo theo là tăng giá sản phẩm nhựa, sẽ càng khó thu hút người mua.


Để an toàn hơn nữa khi giá cả biến động, điều mong mỏi trong thời gian tới của các DN nội địa ở ngành nhựa Việt Nam là làm sao để kéo giảm tỷ lệ nhập khẩu xuống dưới 70% thông qua việc tăng tính tự chủ từ nguồn nguyên liệu nhựa trong nước (thông qua việc cải thiện năng lực sản xuất nguyên liệu nhựa). Còn như số liệu hồi năm rồi cho thấy tổng sản lượng nguyên liệu nhựa nhập khẩu đạt 6,8 triệu tấn, giảm 4,2% so với 2022.


Việc thận trọng trong nhập khẩu cũng là để các DN nội địa trong ngành nhựa (với 90% là DN vừa và nhỏ) tránh rơi vào tình cảnh sa sút, thua lỗ. Điều này được thấy rõ từ tình hình kinh doanh bết bát của những tên tuổi như CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á hay CTCP nhựa Đà Nẵng.


Như CTCP nhựa Đà Nẵng đã lỗ 2 năm liên tiếp, trong đó năm 2023 lỗ ròng hơn 7.3 tỷ đồng (năm trước lỗ gần 16 tỷ đồng). Còn Nhựa Đông Á hồi năm rồi thua lỗ tới 257 tỷ đồng mà một trong những nguyên do là không có đơn hàng.


Đến cảnh báo “mua xa, bán xa”


Không chỉ với ngành nhựa, trước biến động giá cả nguyên liệu đầu vào (từ nguồn nhập khẩu hoặc trong nước) thì các DN trong ngành công nghiệp chế biến cũng cần hết sức lưu tâm, cân nhắc trong việc lựa chọn nguồn cung và chọn thời điểm mua phù hợp.


Chẳng hạn như ở ngành hàng cà phê. Trước bối cảnh giá nguyên liệu cà phê trong nước liên tục tăng cao, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), cho biết thời gian qua hiệp hội đã có những cảnh báo về việc “mua xa, bán xa”. Chẳng hạn từ tháng 10 đến tháng 12 mới thu hoạch cà phê nhưng từ tháng 8 DN đã mua nguyên liệu cà phê, sẽ tạo ra rủi ro trong kinh doanh rất cao. 


Chính vì vậy, theo ông Hải, tất cả các DN trong ngành hàng cà phê cần chú ý định hướng kinh doanh để tránh mua xa, bán xa. Hơn nữa, việc giá cà phê biến động quá lớn đã ảnh hưởng lớn đến các DN trong chuỗi sản xuất, chế biến, thu mua, cung ứng và xuất khẩu.


Điều khó tránh khỏi là với giá nguyên liệu cà phê tăng cao như vậy đã làm tăng giá thành sản xuất cà phê của các DN, khiến cho sản phẩm cà phê chế biến đội giá cao (với mức giá nguyên liệu cà phê trong nước hiện ở mức 105.000 đồng/kg thì các công ty ước tính lỗ hàng chục triệu đồng mỗi tấn cà phê sau chế biến). 


Không riêng gì ngành cà phê, chỉ số giá sản phẩm chế biến thực phẩm trong quý 1/2024 vừa qua đã tăng 1,67%. Hay như chỉ số sản phẩm đồ uống cũng tăng 2,31%. Điều này có nguyên do là vì chi phí đầu vào sản xuất đường, sữa và các sản phẩm từ sữa, tinh bột sắn, chè và các sản phẩm tương tự chè, gạo đã tăng, trong khi nguồn cung toàn cầu giảm sau khi một số quốc gia lớn hạn chế sản xuất.


Mới đây, ghi nhận từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, khi đóng cửa tuần giao dịch đầu tiên của quý 2/2024 thì lực bán chiếm ưu thế trên thị trường nông sản và có nhiều mặt hàng nguyên liệu quan trọng cho sản xuất công nghiệp đã chạm các vùng đỉnh nhiều tháng (có đến 10/31 mặt hàng ghi nhận mức tăng từ 4%).


Còn theo đánh giá từ Tổng cục Thống kê, giá sản xuất quý 1/2024 tăng, giảm đan xen. Trong đó, riêng chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đã tăng so với cùng kỳ năm trước (ước tăng 5,81%).


Nên lưu ý thêm, trong cuộc khảo sát mới đây của Tổng cục Thống kê với các DN trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, có dự báo số lượng đơn đặt hàng mới quý II/2024 so với quý I/2024 tăng với 82,9% DN dự báo tăng và giữ nguyên (42,2% tăng, 40,7% giữ nguyên), 17,1% DN dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm. 


Mặc dù với đơn đặt hàng được dự báo khả quan hơn, để tránh các rủi ro như “mua cao, bán thấp” hay “mua xa, bán xa”, đòi hỏi các DN chế biến hết sức thận trọng trong việc thu mua, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào một khi giá cả vẫn còn giằng co và “nhảy múa”. 

Tin tức liên quan

Thị trường PP và PE của châu Âu trở lại sau kỳ nghỉ dài với xu hướng tăng

Thị trường PP và PE đã mở rộng mức tăng nhẹ sang tháng thứ hai khi những người tham gia thị trường polyolefin khu vực đang dần quay trở lại bàn làm...
 

Thống kê: Tổng lượng nhập khẩu polymer của Thổ Nhĩ Kỳ giảm 7% trong nửa đầu năm

Theo Công cụ Thống kê Pro từ ChemOrbis, lượng nhập khẩu polymer tích lũy trong tháng 1-tháng 6 đã giảm 7% xuống còn 2,9 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2023. Xu...
 

Thống kê: Xuất khẩu PE nửa đầu năm của Hàn Quốc đạt mức cao nhất từng được ghi nhận; doanh số bán hàng tăng mạnh sang Việt Nam tỏa sáng

Theo dữ liệu từ Công cụ Thống kê ChemOrbis, tổng kim ngạch xuất khẩu PE của Hàn Quốc trong nửa đầu năm 2024 đã tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, đạt...
 

Những người tham gia thị trường PVC châu Á dự đoán giá tháng 9 sẽ giảm từ một nhà sản xuất Đài Loan lớn

Mức giá hiện tại cho PVC gốc ethylene K67-68 được báo cáo đạt 770-850 USD/tấn CIF Ấn Độ, 720-800 USD/tấn CIF Đông Nam Á và 750-820 USD/tấn CIF Trung Quốc. Điểm...
 

Giá PP giảm xuống mức thấp nhất trong năm tại Việt Nam

Một luồng gió giảm giá vẫn tiếp tục thổi qua thị trường PP của Việt Nam, với giá đã theo xu hướng ổn định hoặc giảm kể từ tháng 6, chủ yếu là do...
 

Thị trường PET châu Á chuyển hướng do nguồn hỗ trợ chi phí suy yếu

Thị trường chai PET châu Á đã không duy trì được đà tăng ngắn hạn, bắt đầu vào nửa đầu tháng 4 do nguồn hỗ trợ chi phí và nhu cầu cải thiện. Theo sau...