Thị trường PET châu Á đang trên đà đi lên, mặc dù với tốc độ tăng dần trong vài tháng qua. Sự phục hồi liên tục của giá dầu thô tương lai và kết quả là chi phí nguyên liệu thô leo dốc gần đây đã dẫn đến mức tăng giá lớn hơn so với các tuần trước. Tuy nhiên, mức độ tăng vẫn bị hạn chế do sự thiếu hụt nhu cầu chung.
Tại Đông Bắc Á, giá xuất khẩu từ Trung Quốc hiện được ước tính tăng 20 USD/tấn so với tuần trước lên mức 920-980 USD/tấn FOB, trong khi giá nội địa trong nước cũng được ước tính tăng 50-100 CNY/tấn (7-14 USD/tấn) so với tuần trước. Báo giá xuất khẩu của Hàn Quốc đã tăng trên mốc 1000 USD/tấn theo phương thức FOB, tiền mặt sau khi chứng kiến mức tăng hàng tuần là 20 USD/tấn.
Tại Đông Nam Á, khoảng giá chung của PET nhập khẩu duy trì ổn định ở phân khúc thấp trong khi tăng thêm 10 USD/tấn ở phân khúc cao, hình thành khoảng giá 930-1040 USD/tấn CIF, tiền mặt.
Dữ liệu từ Chỉ số Giá ChemOrbis cho thấy giá chai PET theo phương thức CIF Đông Nam Á và FOB Trung Quốc/Hàn Quốc đã đạt mức cao nhất trong bốn tháng qua.
Chi phí nguyên liệu thô nối bước giá dầu tăng
Giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng do thiếu hụt nguồn cung gây ra bởi việc cắt giảm sản lượng kéo dài từ Ả Rập Xê Út và Nga, cũng như các dấu hiệu phục hồi kinh tế ở Trung Quốc và Mỹ. Điều này không chỉ củng cố tâm lý thị trường mà còn thúc đẩy giá nguyên liệu thô đối với PET.
Công cụ Giá ChemOrbis cho biết giá PTA và MEG đã tiếp tục tăng thêm 5-10 USD/tấn lần lượt lên 825 USD/tấn và 500 USD/tấn, trong khi giá PX chứng kiến mức tăng lớn hơn là 40 USD/tấn, lên 1160 USD/tấn, tất cả đều theo phương thức CFR Trung Quốc.
Kết quả là, hầu hết các nhà sản xuất trong khu vực buộc phải áp dụng tăng giá để tránh tổn thất hoạt động. Một nhà kinh doanh Trung Quốc cho biết: “Nguyên liệu thô tăng vọt cùng với thị trường dầu leo dốc nên tuần này chứng kiến cả giá xuất khẩu và giá nội địa đều tăng.” Các nhà cung cấp ở các khu vực khác, chẳng hạn như Hàn Quốc, Thái Lan và Indonesia, cũng cho rằng việc tăng giá là do áp lực chi phí.
Nhu cầu yếu hạn chế đà tăng giá, tuy nhiên tăng nhẹ ở Đông Nam Á
Tuy nhiên, nhu cầu chung suy yếu khiến mức tăng áp dụng có thể được kiểm soát. Hầu hết người mua đứng ngoài cuộc, áp dụng quan điểm thận trọng chờ đợi và theo dõi. Một số quyết định mua hàng song với khối lượng hạn chế cho nhu cầu cấp thiết, đồng thời cố gắng thương lượng để được giảm giá. Nguồn tin từ một nhà sản xuất cho biết: “Mặc dù có một số nhu cầu do người mua nhận thức được giá dầu cao tuy nhiên họ vẫn tiếp tục mặc cả để có giá thấp hơn.”
Trong khi đó, thị trường Đông Nam Á chứng kiến nhu cầu mua hàng tăng nhẹ. Các nhà sản xuất báo cáo sự gia tăng các yêu cầu, trong khi một số người mua cũng bày tỏ nhu cầu bổ sung hàng, với lý do nguồn tồn kho thấp, giá dầu thô ổn định và giá nội địa ở Trung Quốc tăng.
Một nguồn tin tại một nhà sản xuất ở Thái Lan cho biết: “Với xu hướng tăng giá, chúng tôi nhận thấy yêu cầu cao hơn so với những tuần trước.” Ngoài ra, một nhà chuyển đổi cho biết: "Với nguồn tồn kho thấp, chúng tôi có thể cần phải bổ sung thêm một số hàng. Hơn nữa, chúng tôi cho rằng giá khó có thể giảm vì giá dầu thô vẫn cao, trong khi giá nội địa ở Trung Quốc được cho là đã tăng."
Nguyên liệu cạnh tranh của Trung Quốc vẫn là mối lo ngại ở Đông Nam Á
Dòng chai PET Trung Quốc giá thấp đang là mối lo ngại dai dẳng của các nhà cung cấp hoạt động ở Đông Nam Á. Vào tuần này, trong khi giá từ các thị trường khác tăng, nguồn cung từ xuất xứ này gây áp lực lên phân khúc thấp trong khoảng giá chung của thị trường trong khu vực. Các lô hàng tái xuất nguyên liệu Trung Quốc được định giá ở mức cạnh tranh cũng được cho là sẽ tham gia vào cuộc đua cạnh tranh trong khu vực.
Nguồn tin của nhà sản xuất Thái Lan cho biết: “Nguyên liệu Trung Quốc vẫn gây lo ngại vì chúng có giá thấp hơn nhiều so với các xuất xứ khác và chúng tôi được biết giá hàng Trung Quốc tái xuất từ Việt Nam cũng thấp. Do đó, nếu người mua tiếp tục bị mắc kẹt giữa giá PET cao và nhu cầu của người dùng cuối cùng yếu, họ có thể chuyển sang sử dụng những nguyên liệu này.”
Được viết bởi Thi Huong Nguyen - thihuongnguyen@chemorbis.com