Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt hơn 53,22 tỷ USD, với sự gia tăng đáng kể trong các lĩnh vực từ nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi và thủy sản. Cùng với khía cạnh tích cực, sự phát triển của ngành nông nghiệp cũng tạo áp lực lớn cho môi trường, trong đó có vấn đề chất thải nhựa trong ngành. Do đó, việc hạn chế sử dụng rác thải nhựa là một yêu cầu để bảo vệ môi trường, để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam.
Nhiều mô hình giảm chất thải nhựa
Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia, tổng lượng chất thải rắn (bao gồm chất thải nhựa) phát sinh từ trồng trọt hiện khoảng 661,5 nghìn tấn/năm (gồm 550 nghìn tấn nilon, 77,49 nghìn tấn vỏ bao bì phân bón và 33,98 nghìn tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật). Chất thải rắn phát sinh từ chăn nuôi là 67,93 triệu tấn, trong đó riêng chất thải nhựa 77 nghìn tấn từ vỏ bao bì thức ăn chăn nuôi. Chất thải rắn từ nuôi trồng thủy sản là 880 nghìn tấn bùn thải và 273 nghìn tấn chất thải từ bao bì thức ăn, vỏ thuốc thú y và các loại chất rắn khác.
Ông Mai Thanh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Bình cho hay, riêng đối với sản xuất lúa, trung bình thải ra khoảng 1-1,5kg chất thải nhựa/ha/năm, còn đối với rau màu thì lượng chất thải nhựa từ vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật cao hơn, gấp 2-3 lần trồng lúa.
Để giảm chất thải nhựa ra ngoài môi trường, tỉnh Thái Bình đã thực hiện và nhân rộng mô hình “Cánh đồng sạch-thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật” ở hầu hết các xã, thị trấn đầu tư, xây dựng tổng số hơn 4.500 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật và đưa vào hoạt động trên các cánh đồng nhằm phân loại rác thải nhựa tại nguồn và thu gom, xử lý theo quy định. Số bao bì này sẽ được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình thu gom từ các bể chứa trên các cánh đồng. Sau đó thuê đơn vị có chức năng xử lý nguồn rác thải này. Đồng thời, hiện các huyện trong tỉnh đều được cấp kinh phí dùng thuốc diệt chuột đồng loạt để bảo vệ mùa màng với mục tiêu cụ thể không dùng nilon để quây quanh ruộng lúa nhằm giảm lượng rác, chất thải nhựa. Ngoài ra, đối với khâu thu hoạch lúa, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo bà con nông dân hạn chế sử dụng bao bì nilon để đựng lúa.
CHẤT THẢI NHỰA TÁI CHẾ THÀNH CÁC LOẠI VẬT LIỆU XÂY DỰNG ĐƯỢC TRƯNG BÀY TẠI MỘT HỘI NGHỊ TỔ CHỨC TẠI HÀ NỘI.
Hiện nay, tỉnh Quảng Bình đã triển khai mô hình thu gom, xử lý chất thải nhựa với 700 tàu cá xa bờ tham gia. Theo ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình, ước tính việc thu gom chất thải nhựa trên các tàu cá khai thác, đánh bắt xa bờ của tỉnh đạt khoảng 60 tấn/năm, con số này còn rất nhỏ và mới chỉ là bước đầu so với yêu cầu thu gom chất thải nhựa trên biển từ ngư dân. Tuy nhiên, số lượng chất thải nhựa này nếu không được xử lý, thu gom thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành thủy sản, trong đó sẽ ảnh hưởng tới công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Thực tế thời gian qua, tình trạng chất thải nhựa sử dụng trong nuôi trồng thủy sản đã gây tác động xấu tới môi trường ở một số địa phương. Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh cho biết, tình trạng phao xốp bị thải loại trôi nổi trên biển trong quá trình nuôi thủy sản đã gây tác động xấu tới môi trường biển và cảnh quan vịnh Hạ Long. Tỉnh Quảng Ninh đã phải huy động lực lượng, phương tiện để vớt, xử lý số phao xốp này, đồng thời triển khai các biện pháp nhằm bảo vệ môi trường biển và cảnh quan vịnh Hạ Long. Tỉnh áp dụng mô hình chuyển đổi phao xốp trong nuôi trồng thủy sản sang vật liệu nổi theo quy chuẩn QCĐP 08:2020/QN giúp thay thế dần vật liệu nhựa dùng một lần, khó thu gom và tái sử dụng bằng vật liệu có thể tái chế, thân thiện với môi trường.
Góp phần nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam
Để thực hiện thành công việc giảm chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp và thủy sản, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam khuyến nghị: Việt Nam cần xây dựng dữ liệu cơ sở về ô nhiễm nhựa và chất thải nhựa và hệ thống giám sát khả thi từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh để đánh giá quá trình giảm chất thải nhựa trong lĩnh vực nông nghiệp. Cùng với đó, cần thúc đẩy những mô hình thu gom và tái chế hiệu quả, sử dụng vật liệu đóng gói thay thế cho nhựa dùng một lần trên đồng ruộng; đồng thời tập huấn cho nông dân, các bên liên quan trong nông nghiệp về tác động đến môi trường của nhựa và các giải pháp thay thế.
Hiện nay, có một số dự án nghiên cứu, triển khai ứng dụng tái chế chất thải nhựa thành nguyên liệu để sản xuất vật liệu xây dựng như gạch, ngói, tấm lợp. Đây được xem là giải pháp căn cơ để xử lý chất thải nhựa nói chung và chất thải nhựa trong nông nghiệp nói riêng nhằm bảo vệ môi trường.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng: Rác thải nhựa là vấn đề lớn mang tính toàn cầu cần phải giải quyết, trong đó có rác thải nhựa trong nông nghiệp. Vì thế, cần thúc đẩy các giải pháp hành động giảm chất thải nhựa ngành nông nghiệp một cách có hệ thống, đồng thời, huy động nguồn lực của tất cả các bên nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất, hướng tới phát triển nền sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hơn nữa, việc giảm chất thải nhựa không chỉ bảo vệ môi trường trong nông nghiệp mà qua đó còn góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín, chất lượng của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.